5 tháng 6, 2010

Nuôi cá tra xuất khẩu: Giá cá cao nhưng người nuôi và doanh nghiệp “không vui”


(Mard-02/04/2010) - Đã qua rồi những ngày cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tồn đọng, dưới giá thành. Hiện nay, giá cá tra, tôm đang ngất ngưởng, đảm bảo mức lợi nhuận cao cho các nông dân có diện tích nuôi sắp thu hoạch. Theo lẽ thường, người nuôi phải vui mừng do giá càng cao thì lợi nhuận cũng tăng theo. Thế nhưng, giá tăng mà cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến đều lo âu. Tại sao có chuyện như vậy?

Giá cá tăng, chi phí cũng tăng
Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, cá thương lái thu mua cá tra loại 1 bán tại ao là 16.800 đồng/kg, tăng khoảng 300 đồng so với tuần trước. Trong khi giá cá giống, thức ăn, thuốc, vôi… cũng ào ào tăng theo.
Hiện tại, giá thức ăn nuôi cá tra 22% đạm lên tới 8.300 đồng/kg. Đây là giá mua ngay tại công ty chứ giá mua ở các đại lý còn cao hơn. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn cho cá đã 5 lần tăng, tổng cộng tăng gần 1.000 đồng/kg. Cùng thời gian đó, giá cá chỉ tăng khoảng 1.200 - 1.300 đồng/kg. Để có 1 kg cá thương phẩm, người nuôi phải đầu tư khoảng 1,8 kg thức ăn. Do đó, người nuôi vẫn chưa có lời.
Do giá cá đang trên đà tăng nên người dân cũng đua nhau thả giống, dẫn đến tình trạng cung không đáp ứng cầu, giá cá giống lên cao, khó kiểm soát chất được lượng giống. Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, nông dân nuôi ương cá tra giống ở thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), giá cá tra giống hiện nay cũng tăng khoảng 200 đồng/con, tùy kích cỡ. Cá loại 1,5 phân có giá 700 đồng/con, 2 phân là 1.100 đồng/con. Tuy chấp nhận giá cao nhưng một số bà con trong khu vực vẫn không tìm được giống để mua. Do ảnh hưởng các vụ nuôi hơn hai năm qua nên các trại sản xuất và ương giống cá tra giảm khoảng 30-40%. Vì vậy, khi giá cá tăng lên, các trại này mới trở lại sản xuất giống cá tra thì số lượng giống không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác, có được nguồn giống thả cho kịp mùa vụ là bà con đã mừng nên cũng không quan tâm đến chuyện cá giống có nguồn gốc ở đâu, chất lượng ra sao?!.
Theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, chi phí đầu tư nuôi cá quý đầu năm nay đã tăng đến 40% so với cùng kỳ. Trên thị trường hiện nay, giá cá tốt nhất là 17.000 đồng/kg, trong khi đó chi phí thức ăn để sản xuất ra 1 kg cá khoảng 15.000 đồng chưa tính tiền thuốc, hoá chất, thuê đất, chi phí nhân công, lãi vay ngân hàng… Nếu tính đúng và đầy đủ thì người nuôi vẫn chưa có lời. Với đà tăng giá như trên, năm 2010, giá cá tra nguyên liệu phải trên 17.500 đồng/kg thì người nuôi mới có lời.
Doanh nghiệp và người nuôi gặp khó khăn
Giá cá tra nguyên liệu tăng liên tục khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản như đang đứng trên “giàn hoả”. Đại diện một công ty chế biến thủy sản ở khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang), than: “Những ngày qua, chúng tôi cho người đi khắp nơi, xuống tận ao cá tra để thương lượng giá mua cá trực tiếp với nông dân nhưng kết quả cũng chẳng mấy khả quan. Không đủ nguyên liệu buộc nhà máy rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng để nuôi công nhân, không đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu”.
Anh Đặng Xuân Nam, một thương lái chuyên thu mua cá tra ở Tiền Giang cho biết, những ngày này việc thương lượng mua cá tra của nông dân rất khăn do lượng cá tra nguyên liệu rất ít. Trong khi đó, người đi “ lùng” cá thì nhiều, có khi 3-4 bên cùng “đấu giá” mua một ao cá tra. Anh Nam cho biết thêm, bây giờ ngoài lực lượng thương lái chuyên thu mua cá tra thì giờ anh phải mua cạnh tranh với người của một số công ty chế biến thủy sản. Vì vậy, để mua được cá, bắt buộc anh phải trả giá cao hơn.
Hiện nay, nguồn cung cá nguyên liệu trên thị trường đang hạn chế, do tình trạng khó khăn kéo dài trong thời gian qua, nhiều nông dân treo ao hoặc chỉ nuôi cầm cự. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường thế giới trong năm 2010 có xu hướng tăng, do đó giá cá tra nguyên liệu có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại lúc này là dù giá cá tăng nhưng không khí vào vụ mới hiện nay không được phấn khởi như các năm trước. Theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL và chính quyền địa phương cho biết, liên tục 2 năm liền giá cá xuống thấp, trong khi chi phí thức ăn tăng cao khiến người nuôi lỗ nặng, những hộ nuôi nhỏ không có vốn để tiếp tục sản xuất trong vụ nuôi 2010, dẫn đến treo ao hay chuyển sang nuôi các đối tượng khác có chi phí và rủi ro ít hơn. Tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang… số hộ thả giống chưa được bao nhiêu. Theo cục Nuôi trồng Thủy sản, đến nay tổng diện tích thả nuôi cá tra là 4.729,2 hecta, giảm khoảng 30% diện tích so với đầu năm 2009.
Mặt khác, hiện nay ở ĐBSCL, diện tích cá tra đến kỳ thu hoạch (từ 0,7-1kg) không nhiều, ước tính khoảng trên 200 ha với sản lượng lượng cá tra khoảng 56.000 tấn cá tra. Theo nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp dự đoán, thì khoảng 3-4 tháng nửa, khi diện tích thả cá tra hơn 2 tháng nay tới kỳ thu hoạch thì tình hình khan hiếm nguyên liệu cá tra mới giảm.
Ngoài việc chi phí nuôi cá tra “leo thang” thì tình trạng ô nhiễm môi trường do các hộ nuôi cá tra chưa có ý thức trong việc xử lý lượng chất thải khổng lồ trong hoạt động nuôi cá tra trước khi thảy ra môi trường, dẫn đến dịch bệnh thường xảy ra, tỷ lệ hao hụt cao. Kỹ sư Nguyễn Quang Kiên, giám đốc kinh doanh công ty TNHH SX-TM thuốc thú y Thủy sản Asta- Tp HCM, phân tích: “Người nuôi cá tra ở ĐBSCL quá lạm dụng nuôi dày, nuôi mật độ cao, không có ý thức bảo vệ môi trường,… nên hao hụt nhiều, chi phí cao. Giải pháp cấp bách và lâu dài là nên nuôi thưa, có biện pháp xử lý nước thải trước khi thảy ra môi trường thì mới bền vững được”.
Thời gian gần đây, người nuôi cá tra còn gặp khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng. Lãi suất ngân hàng cũng phải theo thỏa thuận và thường ở mức rất cao từ 16% - 18%/năm. Tình trạng người nuôi cá kiệt sức đã kéo dài hơn hai năm nay nên một số bà con vẫn phải chịu “treo ao” hay chuyển qua nuôi các đối tượng khác chi phí ít hơn. Hiện nay, ở Tiền Giang có diện tích nuôi cá tra thâm canh là 124,5hecta nhưng lại có đến có 46,9 hecta chưa nuôi lại (chiếm 37% diện tích) bao gồm: 1,6 hecta ao bỏ trống; 5,87 hecta ao nuôi cá tạp; 6,3 hecta ao ương cá giống và 33,5 hecta đã thu hoạch nhưng chưa thả lại.
Giải pháp căn cơTình trạng thiếu thừa nguyên liệu dẫn đến giá cả không ổn định, gây khó cho cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến. Vì vậy, để tình trạng thiếu thừa nguyên liệu không còn xảy ra, tạo điều kiện cho nghề nuôi cá tra thâm canh phát triển bền vững thì chúng ta phải giải quyết được những vấn đề cơ bản sau:
Các địa phương phải có quy hoạch vùng nuôi cá tra theo quy hoạch chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi, khuyến khích người nuôi áp dụng các quy trình nuôi theo hướng bền vững, đặc biệt phải khẩn trương thực hiện hiện đánh số vùng nuôi nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng hệ thống thống kê sản xuất, thông tin thị trường hiệu quả hơn.
Chính phủ thực hiện hiệu quả chủ trương bình ổn giá đối với các mặt hàng thức ăn Thủy sản, buộc các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch về giá. Có chính sách cụ thể để phát triển thức ăn nội địa, tạo ra mặt bằng giá thức ăn Thủy sản hợp lý hơn.
Ngành nông nghiệp cần tích cực trong việc triển khai và thực hiện hiệu quả dự án nâng cao chất lượng giống cá tra đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện cho nông dân hạ giá thành sản phẩm.
Ngân hàng Nhà nước xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi cá tra vay vốn ưu đãi theo chương trình kích cầu của Chính phủ.
Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra và người nuôi phải có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau về giá cả và nguồn nguyên liệu, tạo vùng nuôi mang tính chiến lược lâu dài. Tránh trường hợp mỗi bên vì lợi ích riêng mà phá vỡ hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đã được ký kết, đặc biệt các doanh nghiệp cần phải ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ theo kế hoạch sản xuất để người nuôi yên tâm sản xuất và thuận lợi hơn trong vấn đế vay vốn đầu tư./.
Trí Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Hãy biết mỉm cười khi cuộc sống nói lời đau thương!
Đừng chờ đợi...bởi bạn không biết mình phải đợi bao lâu"