21 tháng 5, 2010

Gây dựng để con cá tra phát triển bền vững (08/02/2010)

Nói đến con cá tra Việt Nam, có thể khẳng định rằng không có mặt hàng thủy sản nào lại thăng trầm và được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng đến thế. Đóng góp lớn nhưng đến nay, con cá tra Việt Nam vẫn phát triển trật vật.

Năm 2008, có thể khẳng định rằng, đó là năm mà mặt hàng cá da trơn Việt Nam nói chung, cá tra nói riêng khốn đốn chưa từng có. Biết bao cuộc họp trực tuyến, hàng nghìn tỷ đồng bơm vào cứu nguy, rốt cuộc "mèo lại hoàn mèo", khi chúng ta chỉ biết "mất trâu rồi mới làm chuồng".
Trong cuộc họp cuối năm 2008 về phát triển, sản xuất, hạch toán chi phí sản xuất cá tra bền vững, nguyên Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Việt Nam Nguyễn Hữu Khánh đùa rằng: "Bao nhiêu cuộc họp cứ mời tôi nói hoài chán lắm. Cứ nói thì cứ vỡ ra thêm nhiều chuyện khác. Đã đến lúc bớt nói mà làm thì hơn". Chuyện "làm" mà ông Khánh đề ra chính là việc nhanh chóng khảo sát, quy hoạch, đề ra chiến lược phát triển cá tra Việt Nam dài hơi hơn nữa.
Và trên hết, "làm" chính là việc liên kết giữa các "nhà" phải trên tinh thần tự nguyện, chia sẻ lợi nhuận. Chúng ta chính thức gia nhập vào WTO đã lâu, nền kinh tế nước ta được vận hành theo cơ chế thị trường, thì không cớ gì anh em trong cùng một nhà lại cứ mãi miết đấm đá nhau để "ngư ông đắc lợi". Chính yếu tố đó, buộc Hiệp hội Nghề cá các tỉnh trong khu vực, người nuôi, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu phải cùng nhau hợp sức gầy dựng lại thương hiệu cá tra Việt Nam theo đúng những gì nó đáng được có. Cần có sự ủng hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương với những chính sách thiết thực, những ưu đãi hợp lý thì mới mong con cá tra đi theo đúng quỹ đạo.
Nhìn nhận từ thực tế trên, ngay giữa năm 2008, hàng loạt kiến nghị của Hiệp hội Nghề cá các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long gửi về Trung ương, các cuộc họp bàn tại An Giang, Cần Thơ… đưa ra nhiều kiến nghị về quy hoạch vùng nuôi, khảo sát đánh giá thương hiệu cá tra, đưa cá tra phát triển theo đúng mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Điều đó được ghi nhận bằng việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy hoạch vùng nuôi cá tra, ba sa khu vực đồng bằng sông Cửu Long trên nền tảng khảo sát, báo cáo của các địa phương, Trung tâm tin học và Thống kê và Cục Nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Một quy hoạch có còn hơn không trong bối cảnh nông dân treo hầm rầm rộ, người nuôi tự phát không thể kiểm soát và thị trường cá tra lên xuống bấp bênh. Theo dự án, vùng nuôi gồm 9 tỉnh (An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Hậu Giang) năm 2010 diện tích nuôi đạt 8.600 ha, sản lượng cá nguyên liệu 1,25 triệu tấn, chế biến trên 500 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho trên 200 nghìn lao động và định hướng dài hơi đến 2020 diện tích nuôi lên đến 13 nghìn ha, sản lượng nguyên liệu 1,85 triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu ngưỡng 2,3 tỷ USD. Đó là con số đáng mơ, nhưng để đạt được điều đó, cần có cách nhìn nhận thực tế hơn.
Tại hội nghị "Bàn biện pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra, tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2009", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã nhấn mạnh, các tỉnh cần rà soát và phân tích tình hình, thực trạng người nuôi, phân loại trang trại sản xuất quy mô lớn và hộ nuôi có quy mô nhỏ lẻ để có giải pháp khôi phục, phát triển sản xuất. Quy hoạch đã có, chính sách đã có, chỉ đạo thực hiện cũng có việc cần làm là các địa phương, hiệp hội và những người trong cuộc có nhận thức được vấn đề, nhanh chóng triển khai thực hiện hay không !
Cuối tháng 2-2009 vừa qua, tại An Giang, Hiệp hội Nghề cá và đại diện UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thành viên Ban vận động, các Tổ giúp việc Ban điều hành sản xuất, tiêu thụ cá tra, basa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã gửi kiến nghị lên các thành viên Ban điều hành sản xuất, tiêu thụ cá tra, basa Việt Nam 9 nội dung chủ yếu, nhằm xây dựng mô hình liên kết vùng, phát triển bền vững ngành cá da trơn.
Trong đó, việc xây dựng cổng thông tin thị trường, cải thiện hoạt động, vai trò của các hiệp hội nghề cá, nâng cao năng lực thị trường trong liên kết chuỗi cung ứng ngành hàng… là những yêu cầu tiên quyết. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang còn đề xuất thêm việc thiết lập hệ thống thông tin thị trường, bằng việc Ban điều hành các tỉnh triển khai công tác thống kê thủy sản mỗi quý 1 lần, 1 kỳ tổng điều tra và 3 kỳ cập nhật/năm nhằm đối phó diễn biến của thị trường, kịp thời điều hành quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ cho phép thành lập Hiệp hội ngành cá da trơn Việt Nam thay việc thành lập Hiệp hội sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra, ba sa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để việc điều hành, quy hoạch phát triển, kiểm soát vùng nuôi, người nuôi, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu ngành các da trơn được mở rộng, nâng chất vai trò quản lý, điều hành của Hiệp hội.
"Tất cả những yếu tố gầy dựng lại quá trình chăn nuôi, sản xuất, tiêu thụ cá tra Việt Nam đã sẵn sàng, việc còn lại là chúng ta có nhanh chóng thực hiện hay không và làm quyết liệt đến đâu mà thôi", Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang - Phan Văn Danh chia sẻ. (Báo An Giang, 13/3/2009)
Lê Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Hãy biết mỉm cười khi cuộc sống nói lời đau thương!
Đừng chờ đợi...bởi bạn không biết mình phải đợi bao lâu"