1 tháng 4, 2010

Chuỗi cung ứng thủy sản “Mắt xích” nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững

Chuỗi cung ứng thủy sản “Mắt xích” nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững
TSVN) - Là ngành kinh tế có thị trường tiêu thụ sản phẩm đa dạng, sôi động, qua nhiều “mắt xích” và mang thuộc tính của thị trường hoàn hảo tương đối cao nhưng thị trường thủy sản đến nay hoạt động vẫn chưa theo một hệ thống thống nhất, giá sản phẩm không ổn định, nhiều lúc mang tính chất “ảo”, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế của các đơn vị sản xuất và người tiêu dùng.

Bài toán “thí điểm”

 

Các sản phẩm mực khai thác chủ yếu được bán cho các chủ nậu vựa, các tàu thu mua trên biển của các HTX và tư nhân, một số cơ sở chế biến và một số ít người mua để bán lẻ tại chợ địa phương.
Các chủ nậu vựa chủ yếu mua xô cả lô hàng, chịu chi phí vận chuyển từ tàu vào cơ sở kinh doanh. Người thu mua trên biển (bao gồm cả HTX) cũng thường mua xô cả lô hàng, giá mua rất thấp do phải chịu chi phí bảo quản, lưu giữ sản phẩm trên biển và vận chuyển vào bờ, giảm 5-7.000 đ/kg cho loại sản phẩm giá 15.000 đ/kg, có khi chỉ bằng ½ so với bán tại bờ.
Trong khi đó, ở cơ sở chế biến mực khô, người thu mua xuống cảng xem hàng, thỏa thuận giá cả, ngư dân chuyển hàng đến nhà máy. Cũng có những cơ sở không mua của ngư dân, chỉ mua qua các chủ nậu vựa. Còn người bán lẻ tại chợ địa phương lại mua tại cảng.

>> Vai trò quản lý và điều tiết của Chính phủ rất quan trọng, để giữ được sự cân bằng bền vững theo xu thế phát triển và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng sản phẩm khai thác thủy sản hoạt động theo đúng cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.(Theo: Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản)
Một số chủ thuyền khai thác ven bờ có quan hệ tài chính với các chủ nậu vựa, thường khai thác loại mực nhỏ chỉ tiêu thụ nội địa, khi bán phải chịu một phần sự giảm giá so với thị trường.
Đổi lại, nếu ngư dân kẹt tiền thì chủ nậu vựa có thể cho vay thêm bất cứ lúc nào, khi khai thác bị thất bát, chủ nậu vựa cũng bớt hoặc xóa nợ cho ngư dân. Vì thế, quan hệ mua bán này rất tự nguyện và đa dạng, không bị chi phối bởi một quy định chung nào và từ đó, giá cả sản phẩm cũng chưa được “định mức”.
Đến khâu lưu thông, sự điều tiết giá cả cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí vận chuyển, chi phí trung gian, loại sản phẩm. Ví dụ, với sản phẩm mực khô, các cơ sở chế biến bán cho người bán lẻ tại chợ địa phương loại 8-10 con/kg tươi khoảng 150.000 đ/kg, với tỷ lệ nguyên liệu 4 kg mực tươi được 1 mực khô, giá mua mực tươi nguyên liệu từ các chủ nậu vựa khoảng 32.000 đ/kg.
Như vậy qua một khâu chế biến tương đối đơn giản, giá trị của sản phẩm mực khai thác đã tăng lên, giá sản phẩm qua chế biến so với giá mua mực tươi nguyên liệu đã tăng 16% (tương đương tăng 5.500 đ/kg mực nguyên liệu).
Như vậy có thể thấy, chi phí vận chuyển đã làm tăng giá mực khai thác lên rất nhiều và người mua bán mực trung gian thu được lợi nhuận lớn, ít bị rủi ro do thị trường vì là nguồn nguyên liệu khan hiếm.
Trong giai đoạn lưu thông, vấn đề đảm bảo ATVSTP cũng là một thách thức lớn cho các nhà quản lý và chế biến. Do hệ thống trung chuyển quá nhiều khâu, sản phẩm quá đa dạng, trong khi nguồn lực quản lý có hạn nên chưa thể quản lý tốt vấn đề ATVSTP.
Khi đến tay người tiêu dùng, mặc dù chỉ là một mặt hàng mực tươi hoặc mực khô bán tại chợ địa phương nhưng do nguồn nguyên liệu không đồng nhất nên chất lượng sản phẩm cũng không đồng nhất và có sự đa dạng về giá cả. Với cơ chế thị trường và khả năng quản lý thị trường, ATVSTP hiện nay, người tiêu dùng dễ gặp rủi ro về chất lượng và giá cả sản phẩm. Càng qua nhiêu khâu mua bán trung gian, rủi ro cho người tiêu dùng sẽ càng lớn.
Tại chợ địa phương, giá sản phẩm mực khô loại 8 - 10 con/kg tươi khoảng 160.000 đ/kg, qua một khâu mua bán trung gian rất gần, giá sản phẩm mực khô đã tăng lên 10.000 đ/kg (tương đương 6% so với giá mua hàng).
Cần một “bàn tay” điều tiết
Qua phân tích chuỗi cung ứng sản phẩm mực nói trên, có thể thấy: chuỗi cung ứng sản phẩm khai thác hải sản rất phức tạp với đa dạng loại hình và chất lượng sản phẩm, qua nhiều khâu mua bán trung gian, hình thành hoàn toàn mang tính tự phát, không có bất cứ sự chi phối điều tiết nào của Nhà nước
Và cũng có thể nhận định rằng, hiệu quả và tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng sản phẩm khai thác hải sản hiện nay không cao, thể hiện ở tất cả các khâu: khai thác, trung chuyển (bao gồm mua bán trung gian, chế biến) và tiêu dùng.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trong khai thác thủy sản, cần có những giải pháp cải tiến chuỗi cung ứng thủy sản, bắt đầu ngay từ khâu khai thác. Trong đó, vai trò của Nhà nước cực kỳ quan trọng thông qua các hình thức hỗ trợ ngư dân, bảo vệ quyền lợi, giá cả cho người sản xuất, khai thác trên biển.
Đặc biệt, cần quan tâm phát triển các mô hình dịch vụ mua bán đảm bảo tính minh bạch về giá cả và chất lượng sản phẩm, phát huy vai trò của các hợp tác xã thu mua sản phẩm khai thác hải sản.
Thúc đẩy thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm dịch vụ bán đấu giá sản phẩm khai thác hải sản, trước mắt thực hiện một số mô hình thí điểm cho đội tàu khai thác mực – loại sản phẩm tương đối đồng nhất, dễ phân loại, đang được thị trường ưa chuộng để thực hiện bán đấu giá.
Hình thành hệ thống các chợ đầu mối, trung tâm thương mại hàng thủy sản được tập trung đầu tư theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn phù hợp với yêu cầu về minh bạch tài chính và ATVSTP của các sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần hình thành và tăng cường sự liên kết hoạt động giữa nhà quản lý – nhà chế biến – người tiêu dùng trong việc ngăn ngừa sử dụng chất bảo quản không tốt, đảm bảo tuyệt đối ATVSTP cho nguyên liệu và sản phẩm cho tiêu dùng
Tăng cường các hoạt động quản lý và điều tiết của Nhà nước đối với hệ thống nậu vựa, thực hiện mục tiêu: minh bạch tài chính, ATVSTP, điều hòa công bằng tương đối phân phối lợi ích trong chuỗi giá trị sản phẩm khai thác hải sản, phá vỡ hệ thống “giá ảo”, đảm bảo lợi ích từ người sản xuất cho đến người tiêu dùng, giảm thiểu sự “xâm lấn” của các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng sản phẩm khai thác hải sản.
Tiếp tục hình thành hệ thống chính sách khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác trong sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm: hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, liên kết sản xuất … tạo điều kiện cho việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đăng ký nhãn mác, tăng năng lực cạnh tranh của người sản xuất và cả chuỗi cung ứng sản phẩm khai thác hải sản.

Quang Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Hãy biết mỉm cười khi cuộc sống nói lời đau thương!
Đừng chờ đợi...bởi bạn không biết mình phải đợi bao lâu"